Kinh tế nhiễu thông tin và thấp nhất 3 năm qua - Dân Làm Báo

Kinh tế nhiễu thông tin và thấp nhất 3 năm qua

Trần Nguyên Thao (Danlambao) - Cuối năm 2016, báo chí đảng trích dẫn những khảo sát từ các định chế tài chánh, để tiên đoán rằng, "kinh tế Việt Nam năm 2017 sẽ biến chuyển tốt hơn năm 2106, tăng trưởng ở mức đầy lạc quan từ 6.2 đến 6.7% GDP" [1]. Đến cuối tháng Ba năm nay, thực tế hoàn toàn ngược lại, thống kê chính thức của Hà Nội nhìn nhận, chưa bao giờ, từ 3 năm nay, kinh tế Việt Nam lại thê thảm đến vậy: tăng trưởng quý Một năm 2017 chỉ đạt có 5.1%, [2] thấp hơn quý Bốn năm ngoái đến 1.7%. Giữa tháng Tư, truyền thông lại loan tin Ngân hàng thế giới nói, năm nay tăng trưởng của Việt Nam sẽ là 6.3% và tăng lên 6,4% trong hai năm tiếp theo [3]. Chưa bao giờ thấy, chỉ trong nửa tháng, những khảo sát về nền kinh tế Việt Nam trái chiều như trích dẫn.

Tổng cục trưởng Thống kê, Nguyễn bích Lâm âu lo: "Công nghiệp tăng thấp nhất kể từ năm 2011 đến nay, điều này kéo tụt tăng trưởng GDP, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế đất nước", ông Lâm nói. "Dự báo kinh tế nước ta sẽ có nhiều thách thức hơn thuận lợi, khó có thể đạt được mục tiêu đã đề ra là 6.7%" [4].

Phía cầm quyền đưa ra các nguyên nhân khiến kinh tế tuột dốc: tình trạng khô hạn, Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long bị ngập mặn gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trong khu vực.

Chỉ số toàn ngành công nghiệp trong quí 1 chỉ tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể sản xuất điện tử, máy tính và quang học giảm 1%; trong khi đó vào cùng kỳ năm ngoái lĩnh vực này tăng đến 11%.

Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách của Việt Nam (VEPR) vừa công bố một báo cáo kinh tế Việt Nam trong quý Một năm 2017 [5], nêu rõ sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào các đại công ty nước ngoài có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam (gọi tắt là FDI), ví dụ như công ty Samsung của Hàn Quốc. Chỉ một mình Samsung Việt Nam giảm sản xuất điện thoại thông minh và máy tính bảng cũng gây ra tình trạng kéo tụt tăng trưởng GDP của Việt Nam như chưa từng thấy. Báo cáo này cũng đưa ra một con số đáng ngại là các công ty trong nước hiện chỉ chiếm 28% tổng trị giá hàng xuất khẩu. Ngoài ra báo cáo cũng cho biết là Trung cộng hiện là quốc gia có số vốn FDI lớn nhất ở Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư chỉ trong quý Một đã là 820 triệu Mỹ Kim. Đây chính là mấu chốt khiến Hà Nội lệ thuộc rất lớn vào Bắc Kinh về kinh tế.

Cuối tháng Ba, Tổng Thống Hoa Kỳ, Donald Trump ra lệnh xét lại "lý do và thủ phạm" gian lận thương mại gây thâm hụt cho Hoa Kỳ lên tới hơn 500 tỷ Mỹ Kim mỗi năm với 16 quốc gia, trong đó có Việt cộng và Trung cộng.

Thiệt hại kinh tế do thảm họa môi trường toàn quốc và riêng tại 4 tỉnh Miền Trung do Formosa gây tổn hại lớn lao cho lãnh vực ngư nghiệp không thấy nhà cầm quyền nói đến.

Thảm họa khác đang báo động tại vùng Đồng Bằng Cửu Long, có thể còn khốc hại hơn Formosa, nơi Hà Nội cho phép công ty giấy của Tầu cộng lập nhà mày Lee & Man sẽ hoạt động vào tháng 8 tới, không tránh được cảnh dòng Hậu Giang sẽ chết bởi chất cực độc do nhà máy giấy thải ra.

Công bố của Ngân hàng thế giới sáng thứ Năm 13 tháng 4 cho biết GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng năm nay là 6.3% và tăng lên 6,4% trong hai năm tiếp theo. Tuy nhiên các chuyên gia Ngân hàng thế giới cũng đề cập những rủi ro của Việt Nam vẫn có thể xảy ra trong khoảng thời gian này, do chậm trễ trong việc triển khai cải cách ngân sách và chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) mới cho biết đã có sẵn một khoản tín dụng 100 ngàn tỷ đồng cho doanh nghiệp và người dân vay vốn với mức thấp hơn lãi suất thông thường là 0,5-1,5% để chuyên sản xuất nông nghiệp với kỹ thuật cao. Hiện văn bản hướng dẫn khoản tín dụng này còn đang soạn thảo.

Tuy nhiên, trên thực tế, các chuyên gia nói là, muốn vay được 1 đồng phải bỏ ra 1 đồng lẻ 5 (tiền bôi trơn, lại quả). Như thế thì vay về sản xuất cái gì để mà có lãi? Dư luận chuyên ngành rất lo ngại vì không biết hậu quả của số tiền lớn này sẽ đi về đâu. Trong quá khứ, có nhiều doanh nghiệp rất muốn vay tiền cho các dự án có mục tiêu, đầu ra rõ ràng nhưng không được vay.

Ngày 12 tháng 3 trang thông tin của nhà cầm quyền Hà Nội thông báo là, tháng Chín năm nay, nông dân Việt Nam sẽ được quyền canh tác trên diện tích đất đai rộng lớn hơn giới hạn cho phép, còn gọi là hạn điền, như lâu nay.

Theo qui định hiện nay của cộng đảng, ở vùng đồng bằng, diện tích tối đa (hạn điền) mỗi nông gia có quyền canh tác là 3 hectare, ở miền núi là 10 hectare.

Trong những năm qua ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng giới hạn về diện tích canh tác như vậy làm cho nông dân Việt Nam không thể áp dụng những biện pháp kỹ thuật mới, sản xuất ra nhiều sản phẩm với giá rẻ như các quốc gia nông nghiệp tiên tiến. Nhưng vấn đề chính nằm ở chỗ đảng cộng sản là chủ duy nhất của đất đai. Việc này làm cho nông dân không an lòng bỏ tiền ra hay vay vốn đầu tư vào mảnh đất của mình. Vì biết đâu có ngày cộng đảng cưỡng chế mảnh đất mầu mỡ từng tốn hao công sức và tiền bạc của họ lại mất trắng tay. Nông nghiệp Việt Nam chiếm 80% dân số, xuống còn 46% cho thấy nhiều người trở thành “dân oan mất đất” sống vất vưởng trên hè phố khắp nước, đòi công lý hàng chục năm trời.

Hiến Pháp CSVN 2003, sửa đổi năm 2013, dành cho cộng đảng quyền quản lý toàn thể đất đai. Điều khoản này biến toàn dân thành người ở thuê, nông dân thành tá điền ngay trên chính đất của mình. Đồng thời mở đường cho cộng đảng thi đua cưỡng chiếm đất đai khắp nước, dưới hình thức ban đầu là các dự án phục vụ công ích, quốc phòng; cuối cùng đất được chia lô bán cho tư nhân, tiền bỏ vào túi quan đỏ.

Nguyên nhân căn bản của nền kinh tế luôn gây ra vấn nạn lớn là nạn tham nhũng tột cùng gần như khắp mọi lãnh vực, đưa đến một nền kinh tế gần như chỉ còn bề mặt. Tảng tài nguyên chìm đã bị quan tham lấy làm của riêng, hay chuyển hết ra nước ngoài.

Trước không khí đang hầm hập, sục sôi hội nghị trung ương 5 trong nhiệm khóa XII gần kề, thì cảnh tranh ăn, đấu đá trong hàng ngũ tối cao Ba Đình lại lên cao dữ dội. Hiện cộng đảng bận trầm mình vào “cuộc chiến cung đình” liên miên giữa hai phe; vì thế, họ không còn quan tâm đến đời sống kinh tế của dân.

Biệt tài lừa đảo và tham nhũng bất kể thứ gì của dân là nguồn cơn đưa đến thảm họa hàng trăm ngàn công ty tư nhân, không chịu “làm sân sau” cho cộng đảng phải giải thể mà trong mục này đã nhiều lần trình bày. Truyền thông lề đảng cũng nhìn nhận, trung bình mỗi ngày có ít nhất 300 công ty giải thể (Báo Mới 06-03-17).

Hôm 12-04-2017, truyền thông đảng loan tin, báo cáo về 12 công ty thua lỗ gần 94 ngàn tỷ đồng, sẽ được Bộ Chính Trị xem xét nay mai [6]. Trong báo cáo cũng nại vào thảm họa Formosa gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung; khiến nhiều công ty quốc doanh thua lỗ, mất vốn.

Thì ra Hà Nội dựa vào vụ thảm họa môi trường biển 4 tỉnh Miền Trung để lấy cớ giải thể các doanh nghiệp “thua lỗ đúng quy trình” nhằm thanh toán nhau để giành lấy miếng ăn. Việc này đã được Hà Nội âm mưu 6 tháng trước.

Sau khi xảy ra thảm họa Formosa từ 06 tháng 04, thì 8 tháng sau, ngày 8 tháng 11 năm 2016, Cộng đảng đưa việc cho phá sản, giải thể công ty quốc doanh ra Quốc hội gồm 96% là đảng viên cộng sản đã “đồng ca” mở đường cho cho hành pháp quyền “giải thể, phá sản các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả” [7]. Đây là gian kế của Hà Nội đưa ra Quốc Hội cho “có lệ”, để mở đường cho các đảng viên giữ các chức vụ then chốt, tìm cách phi tang tội ăn cắp của dân trọn gói. Đồng thời dựa vào sự việc này thanh toán nhau. Như vậy toàn khối tài sản 400 tỷ Mỹ Kim lớp bán cho Tầu, còn lại sẽ lần lượt biến mất hợp pháp, chả ai có lỗi hay chịu trách nhiệm gì! Từ trước đến nay, cộng đảng vẫn làm ngơ, giữ kín những chuyện mờ ám, thất thoát hàng ngàn tỷ đồng [8], cho đến lúc nội bộ đấu đá khốc liệt, dân chúng mới thấy một lũ tranh ăn!

Hôm 17 tháng 04, cộng đảng nói là, trong năm nay, sẽ phải kết thúc 12 vụ án đang được theo dõi, trong đó 4 ngân hàng bị chiếu cố nhất: Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển VIệt Nam (BIDV). Theo Giáo sư Tương Lai, tất cả chỉ là “các ông ấy đánh nhau mà thôi.”

Cuộc tấn công sinh hóa vào môi trường biển VN hủy hoại kinh tế và đời sống Dân Việt đã được Hà Nội cho khởi động lại với bản văn nói là “Formosa đã sửa 52 vi phạm trong số 53 lỗi lầm nghề nghiệp, nên được phép tái hoạt động. Nhưng MỘT lỗi còn sót lại, chính là nguyên nhân gây ra thảm họa miền Trung, vẫn còn nguyên. Vi phạm này nói là sẽ được cải sửa vào năm 2019. Đây chính là cách giải quyết gian tà của nhà cầm quyền Hà Nội. Bởi vì ngay từ khi thành lập nhà máy, Hà Nội đã đồng tình với Formosa, cố tình cho xây nhà máy và kiến tạo tiến trình luyện kim theo phương cách dùng nước làm nguội sản phẩm. Phương thức này chi phí thấp 20 lần so với phương thức làm khô sản phẩm bằng khí Nitrogen mà dự án ban đầu đã ký kết. Mối lợi đến 20% sẽ vào túi ai, nếu nhà máy hoạt động trong 70 năm như hợp đồng đã ký. Đây chỉ là một trong những chuỗi lợi nhuận khác trong cách làm ăn bất chấp thảm họa giáng lên đầu Dân Tộc Việt.

Bao nhiêu khu công nghệ bị Tầu cộng đào thải, vì ô nhiễm môi sinh sẽ được Bắc Kinh lần lượt tuồn qua Việt Nam dưới hình thức vốn đầu tư FDI, chúng sẽ là những pháo đài xả thải tương lại, mà Tầu cộng không cần động binh, người mình cũng chết. Các dự án này đang lần hồi được thực hiện trong khuân khổ 15 thỏa hiệp do Nguyễn phú Trong ký trong chuyến thăm Tầu đầu năm 2017. [9]

Mặc cho dân tình oán thán khắp nơi, chế độ tàn ngược này vẫn theo đuổi chủ đích ngoại giao nô lệ phương Bắc; khai triển không ngừng 4 tốt, 16 chữ vàng hại dân bán nước với những văn từ hoa mỹ, hãnh tiến từ “tình hữu nghị tôi đòi” nơi Ba Đình thần phục đám cầm quyền Trung Nam Hải.

25.04.2017



__________________________________

Chú thích:











Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo