Hồn Vĩnh Ký, da Hồng Phong - Dân Làm Báo

Hồn Vĩnh Ký, da Hồng Phong

Hồ Chí Phèo (Danlambao) - Cuốn “Petrus Ký, nỗi oan thế kỷ” do nhà nghiên cứu lão thành Nguyễn Đình Đầu chủ biên, một công trình tập hợp các bài viết của nhiều tác giả xưa và nay, nói về học giả Trương Vĩnh Ký (1837-1898), hiện đang bị thu hồi khỏi các hiệu sách và bị cấm phát hành ở Việt Nam. Tác giả quyển sách đến giờ có lẽ vẫn còn lờ tờ mờ, không hiểu rõ lý do tại sao? Đảng thường rất bực tức những câu hỏi “tại sao?”, "vì những câu hỏi tự phát, ngoài kinh điển Mác Lê, đảng hay bí, vì thế người dân phải tự tìm câu trả lời. Phải chăng đề tựa quyển sách? Từ ngày đảng nắm độc quyền cai trị, có nhiều cái “oan” của dân đen: nào là đánh địa chủ oan, tù cải tạo oan, đánh tư sản oan… rồi phổ biến nhất gần đây là dân oan. Quá nhiều cái oan, nhức cả cái đầu, đảng chả bao giờ thích “oan” trong XHCN của mình cả! Bây giờ lại nẩy ra “nổi oan thế kỷ”, oan gì cả một thế kỷ, đảng lạnh cả xương sống, nên phải bịt lại ngay. Thực ra ở miền Nam, đối với cụ Trương, đề tựa không chính xác lắm. Ngôi trường danh tiếng nhất ở Sài Gòn vẫn mang tên trường “Petrus Ký”, để ghi nhận công lao một nhà bác học, ông tổ nghề báo, cho đến ngày 30 tháng tư 1975. Chỉ sau ngày tháng tư đen ấy, người cộng sản đã thay “da” cho mọi nơi của miền Nam, phù hợp với chế độ cai trị mới. Nói đến thay da, không thể nào không gợi lại truyện xưa.

Trong truyện cổ tích Việt Nam, ai cũng biết truyện “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Trương Ba là người có văn hóa, học thức, một cao thủ cờ tướng nhất nước. Trong xã hội xưa, cờ là môn thể thao trí tuệ cho người có học, nên Trương Ba được làng trọng vọng và có một gia đình yên ấm, hạnh phúc... Trong làng có anh hàng thịt học dốt, thô lỗ, bạo hành gia đình thường xuyên... Trương Ba chẳng may đột ngột chết. Trời động lòng trắc ẩn, muốn cho Trương Ba sống lại, nhưng thân xác của Trương Ba đã rã rời, nên trời bắt buộc ph̉ải nhập hồn Trương Ba học thức cao thâm vào thân xác vừa mới chết của anh hàng thịt cục mịch, ngu dốt. Văn hoá xa xưa của người Việt vẫn trọng người có trí tuệ, không thích kẻ cục mịch, ngu dốt nên anh “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” này được cho trở về chung sống với vợ Trương Ba. 

Trở lại chuyện nay, năm 1975, sau khi chiếm được miền Nam, Sài Gòn cùng cả nước đã bị nhuộm đỏ. Từ một thành phố theo chủ nghĩa tư bản, một thời được gọi là “Hòn Ngoc Viễn Đông”, Sài Gòn trở thành trung tâm để đánh “tư sản mại bản”, người dân phải đi học tập, ca ngợi chủ nghĩa Mác Lê, tôn sùng các lãnh tụ cộng sản... Sài Gòn, tên dùng hơn 300 năm từ thời chúa Nguyễn, từ Quang Trung Nguyễn Huệ... bị đổi tên là Hờ Cờ Mờ city. Hồn Sài Gòn của một thời tráng lệ đã phải nằm trong da, trong tên một kẻ độc tài khát máu người. Người Sài Gòn thời trước 1975 vẫn mơ có ngày thành phố lấy lại cái tên cũ thân thương. Những đường phố Sài Gòn cũng bị đổi tên. Đường Tự Do nay là Đồng Khởi, đường Công Lý với toà án Sài Gòn trở thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa... Người Sài Gòn không ai quên lời thơ mai mỉa: 

Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý. 
Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do. 

Về giáo dục, việc đầu tiên đảng làm là thay da, thay tên các trường học: trường bị đổi tên hoặc xóa sổ. Trường Petrus Ký đổi thành Lê Hồng Phong, Gia Long thành Nguyễn thị Minh Khai, Lê Văn Duyệt thành Vỏ Thị Sáu... Trường Marie Curie vẫn giữ tên người Pháp vì chính phủ Pháp cảnh cáo: “muốn nhận tiền viện trợ hay muốn đổi tên”… 

Chu Văn An, một trường trung học nam nổi tiếng ở Sài Gòn, được thành lập do các giáo sư, học sinh trường Bưởi Hà nội di cư vào Nam 1954. Đảng cho mở thêm lớp trung học tại chức để dạy cấp tốc cho cán bộ cộng sản thất học hoặc học dốt. Hồn cụ Chu văn An có trở lại thăm trường, chắc phải khóc ròng mà than: "Cái học thời nay tiêu tùng rồi!". 

Không chỉ có trường Chu văn An, nhiều trường miền Nam cùng chung cảnh ngộ. Sau 1975, miền Nam được cai trị bởi hai nhóm cán bộ. Nhóm cán bộ miền Bắc, kể cả cán bộ miền Nam tập kết, thường tự vỗ ngực cho mình được đào tạo chính qui, có học thức cao. Nhóm cán bộ miền Nam trong rừng ra, đa số học lực chưa qua tiểu học, bị xem là dốt. Các trường trung học tại chức dành ưu tiên cho lớp cán bộ “rừng” này. Mỗi năm cán bộ có thể học qua hai hay ba lớp... Nguyễn Hà Phan, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang là một học sinh loại không giống ai này. Ông ta vào lớp, một chân gác lên ghế, tay đưa xuống gãi rột rột: "Thầy giáo giảng, qua đây cũng hiểu, nhưng qua bận việc nước quá, nên bài tập hổng làm được, thầy giáo thông cảm!". Chỉ sau vài năm, Hà Phan, được kính tặng bằng tốt nghiệp phổ thông. Là “nhân tài” hiếm có, Hà Phan được rời về trung ương, nhảy vào bộ chính trị. Năm 1996, do đấu đá nội bộ, hoặc vì “nhân tài” đào tạo cấp tốc đưa đến “cung nhiều, cầu it́ ”, "nhân tài" Hà Phan bị đá khỏi đảng, cho về vườn. Quả thực đảng xem giáo dục như trò đùa cợt, họ chỉ chú trọng đến tuyên truyền, nói văn hoa, bóng bẩy, ca ngợi đảng và Bác thế là đủ. 

Petrus Ký là trường trung học công cho nam sinh nổi tiếng ở miền Nam. Trường do người Pháp xây dựng rất qui mô vào năm 1928. Trường có ban giám hiệu tận tâm với nghề nghiệp, kỷ luật học đường là điểm nổi bật, thành tích học tập cao nên đã góp phần đào tạo bao nhiêu nhân tài về khoa học, văn hoá... cho miền Nam trước 1975. Học sinh được nhận vào Petrus Ký phải qua kỳ thi tuyển rất gay go. Không chú trọng lai lịch học sinh, nên có dính dáng đảng CS cũng chui vào học, vì thế Huỳnh Tấn Phát, Trương Tấn Sang, Nguyễn Minh Triết... cũng là cựu học sinh Petrus Ký. Sau 30/04/1975, trường Petrus Ký bị đổi tên Lê Hồng Phong. Wikipedia, có sơ lược tiểu sử của Petrus Ký và Lê Hồng Phong. 

Pétrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898), là một nhà văn, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục học, và khảo cứu văn hóa tiêu biểu của Việt Nam. Ông có tri thức uyên bác, là thành viên thứ 18 của hội "Savants du Monde", một hội gồm nhiều nhà khoa học, văn học Pháp. Sử dụng thông thạo 27 ngoại ngữ, nên ông trở thành một trong số ít những người biết nhiều thứ tiếng ở Việt Nam, và đứng vào hàng những người biết nhiều ngoại ngữ bậc nhất trên thế giới. 

Ông để lại hơn 100 tác phẩm về văn học, lịch sử, tự điển,... Đối với nền báo chí Quốc ngữ Việt Nam, ông được coi là "ông tổ nghề báo", là người sáng lập, và Tổng biên tập tờ báo quốc ngữ đầu tiên mang tên “Gia Định Báo”. Ông cũng là người đầu tiên bỏ tâm huyết dịch truyện Kiều ra tiếng Pháp để phổ biến văn hoá Việt Nam ra thế giới. 

Lê Hồng Phong (1902-1942), năm 24 tuổi được sự giới thiệu của Nguyễn Ái Quốc nên được kết nạp vào đảng Cộng Sản Tàu. Nhờ có sức khoẻ nên được nhận huấn luyện về quân sự tại Tàu và Liên xô. Năm 1935 là Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Đông Dương, một chi nhánh của Quốc Tế Cộng Sản. Năm 1942, bị Pháp bắt, kết tội, án 5 năm tù (So với Trần Huỳnh Duy Thức, chỉ bày tỏ chính kiến ôn hoà, bị án16 năm... Thực dân Pháp còn nhân đạo hơn đảng CSVN nhiều lắm!). 

Qua tiểu sử, so sánh Trương Vĩnh Ký, một nhà thông thái hiếm có của Việt Nam và Lê Hồng Phong, đảng viên cộng sản Tàu tợ như so sánh Trương Ba với anh hàng thịt. Thế mà đảng CS lại đổi tên trường học từ Petrus Ký sang Lê Hồng Phong. Có em học sinh nào vào học trường có ao ước trở thành anh hàng thịt Hồng Phong, thuộc làu kinh điển Mác Lê, gia nhập đảng cộng sản Tàu? Hay các em muốn giỏi văn, giỏi ngoại ngữ như nhà bác học Petrus Ký, để nghiên cứu đem những ích lợi cho xã hội? Câu trả lời thực rõ ràng vì văn hoá của hơn 4000 năm của người Việt luôn coi trọng học thức, trí tuệ, coi thường kẻ ngu dốt, xảo ngôn. 

Việt Nam có hội đoàn chung cho các cựu học sinh của trường, được gọi “Hội cựu học sinh Petrus Ký, Lê Hồng Phong”, có nghĩa như “Hội Trương Ba, Hàng Thịt”. Không, vạn lần không, Petrus Ký không thể ghép với Lê Hồng Phong, cũng như Trương Ba không thể là anh hàng thịt thô lỗ, đần độn được. Các em học sinh trường hãy nói tiếng nói đúng đắn: "Em đang học ở trường có “da Hồng Phong”, nhưng hồn em là “Hồn Vĩnh Ký”, đơn giản em muốn học giỏi giang như Trương Vĩnh Ký”. Rồi sẽ có một ngày, ngày mọi người Việt Nam đều nhận thức cái giả dối về thiên đường cộng sản, về lý luận Mác Lê rác rưởi thế giới đã quăng vào thùng rác, về cái xấu xa của XHCN của đảng Cộng sản dựng nên, cũng như mọi nỗi oan sẽ không còn, ngày đó tên anh hàng thịt sẽ bị gỡ bỏ, tên cũ Petrus Ký lại được gắn trên cổng trường thân yêu của các em và của bao nhiêu cựu học sinh của trường. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo