155 trẻ em ở Hà Tĩnh kêu cứu vì Formosa - Dân Làm Báo

155 trẻ em ở Hà Tĩnh kêu cứu vì Formosa

“Kể cả mẫu giáo, mầm non và tiểu học 2 năm trời họ không cho đến trường, mục đích là bắt các cháu làm con tin để chúng tôi phải chuyển đi”.

Hoàng Nguyên (Quochoi) - Trong khi học sinh cả nước nô nức đến trường thì ở một nơi không xa đường quốc lộ 1A, có 155 đứa trẻ vẫn bị “tước quyền” được học hành. Việc “tước quyền” này không phải ngẫu nhiên mà có chủ đích hẳn hoi. Các em - những mầm non của đất nước, đang phải mang trên mình bản “án treo” mà chính Formosa gián tiếp gây nên.

Vũng Áng (Kỳ Anh) là một trong những vùng đất có khí hậu khắc nghiệt nhất Hà Tĩnh. Nắng nóng, cộng với gió Lào và những cơn bão dữ quần thảo hàng năm khiến cuộc sống người dân vô cùng cực khổ. Rồi Khu Kinh tế Vũng Áng thành lập, dự án Formosa triển khai, vùng đất này nằm trong diện quy hoạch dành mặt bằng cho dự án. Để có được hơn 3.000 ha mặt bằng phục vụ dự án Formosa, hơn 2.500 hộ dân của 9 xã vùng Nam Kỳ Anh phải di dời. Riêng xã Kỳ Lợi gần như bị xóa trắng để dành đất cho dự án. Đây được xem là một cuộc đại di dời, tái định cư thế kỷ mà Hà Tĩnh đã rốt ráo thực hiện trong những năm qua và kết quả thật “ngoạn mục”. Đến nay, gần như toàn bộ diện tích dành cho dự án cơ bản “sạch”, và nhà đầu tư rất hài lòng về việc này. Trong khi đó, hàng nghìn hộ dân buộc phải rời bỏ quê cha đất tổ, cộng với sự thiếu minh bạch, o ép trong đền bù giải phóng mặt bằng của chính quyền đã đẩy cuộc sống của không ít người dân vào cảnh khốn khó cùng cực.

155 trẻ em xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh 
2 năm qua không được đến trường có liên quan đến dự án Formosa

Có câu “an cứ lạc nghiệp”, nay an cư đâu chưa thấy, hàng trăm người dân xã Kỳ Lợi lại gặp họa khi nằm trong khu vực hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất vì thảm họa môi trường làm cá biển chết hàng loạt mà nghi phạm chính không ai khác là Formosa – nguồn cơn đẩy họ sống cảnh “không nhà”? Hiện đời sống bà con ngư dân xã Kỳ Lợi chẳng những đang vô cùng khó khăn, phải chạy ăn từng bữa mà ẩn sau những phận đời khốn khổ đó là một sự thật đau đớn hơn, chỉ vì cha mẹ không chịu dời lên khu tái định cư mà 155 đứa trẻ vô tội bỗng trở thành nạn nhân, bị gạt bên ngoài trường học. Ít ai biết, ròng rã suốt 2 năm qua, các em nhỏ ở đây không được nhập học các trường gần nhà trong khi có tới 6 phòng học tại trường THCS Kỳ Lợi phải để trống do thiếu học sinh.

Tương lai của các em sẽ thế nào khi ước nguyện giản đơn 
được đến trường như bao đứa trẻ khác lại bị tước đoạt?

Lý giải về việc các con của mình không được tới lớp, ngư dân Hoàng Tinh Danh (trú thôn Đông Yên) cho hay: “kể cả mẫu giáo, mầm non và tiểu học 2 năm trời họ không cho đến trường, mục đích là bắt các cháu làm con tin để chúng tôi phải chuyển đi”.

Ngư dân Hoàng Tinh Danh (trú thôn Đông Yên) cho hay: 
“kể cả mẫu giáo, mầm non và tiểu học 2 năm trời họ không cho đến trường, 
mục đích là bắt các cháu làm con tin để chúng tôi phải chuyển đi”.

Còn ông Nguyễn Xuân Trình buồn rầu nói: “Thấy con cái thất học, chúng tôi cũng lo lắng và sốt ruột, bất đắc dĩ mới phải cho ở nhà. Nếu bây giờ trường THCS Kỳ Lợi tiếp nhận thì mọi người sẽ cho con em tới lớp”. Ông Trình cũng chia sẻ thêm, người dân chỉ muốn chủ đầu tư đứng ra đối thoại với bà con về lý do và mục đích lấy đất rồi khi đó mới quyết định chuyển đi hay không?.

Tuy ngôi trường chỉ các nhà một đoạn đường ngắn đi bộ, 
ấy vậy mà hai năm nay nó trở nên quá xa vời 
đối 155 học sinh Kỳ Anh chỉ vì 
Formosa đã “chọn” nơi các em ở làm dự án.

Đang ngồi chơi cùng đứa em gái giữa sân nhà, khi được hỏi về việc cháu muốn được quay trở lại trường học hay không, em Nguyễn Thị Lành (SN 2002) chia sẻ: “Cháu muốn được đến trường lắm, đến trường cháu được học, được chơi cùng các bạn, cháu nhớ thầy cô, bạn bè khi hơn một năm rồi không được tới lớp”. Nói rồi em Lành cúi mặt xuống đất như muốn nói rằng, việc quay trở lại trường đối với em là điều quá xa vời. Có lẽ đây cũng chính là suy nghĩ và ước muốn chung của 155 em học sinh thôn Đông Yên suốt 2 năm qua.

Vâng, không phải là 1 hay 2 em, mà tới 155 em học sinh, 2 năm trời đằng đẵng không được đến trường, chỉ vì Formosa đã “chọn” nơi các em ở làm dự án. Tương lai của các em sẽ thế nào đây khi ước nguyện giản đơn là được đến trường như bao đứa trẻ khác lại bị tước đoạt?

Môi trường sống chung với rác thải.

Không lẽ hàng triệu người lớn chúng ta đành lòng để 155 phận đời con trẻ vô tội tiếp tục xa cách với thầy cô, bạn bè và trường lớp của chúng hay sao? Một dự án kinh tế gieo rắc nhiều tai họa như Formosa có đáng để chúng ta hy sinh sự sống của toàn bộ khu vực miền Trung và tương lai của con em chúng ta hay không?

Biết rằng, một ngày chậm đến trường là một ngày các em chậm đi một nhịp so với bạn bè cùng trang lứa. Xin đừng vì lợi ích của người lớn mà tước bỏ đi niềm vui được đến trường, tước bỏ quyền học tập của con trẻ.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo