Tìm Sông - Dân Làm Báo

Tìm Sông

Trần Trung Đạo (Danlambao) - Cách Boston ba giờ lái xe về phía Bắc có một địa điểm du lịch được gọi là Lost River. Thỉnh thoảng vào mùa lá vàng (foliage), trên đường đi xem lá rơi trên đỉnh White Mountain về, tôi và gia đình dừng lại ở Lost River.

Chúng tôi có khi còn tham gia một trò chơi nhỏ gọi là tìm sông. Lý do, khi đứng trên mặt đất bạn chỉ thấy núi rừng trùng điệp chứ chẳng thấy sông hay suối nào cả. Nhưng nếu áp tai vào mặt đất để lắng nghe, bạn sẽ nghe tiếng nước chảy róc rách. Và nếu bạn chịu khó đi tìm theo những chiếc thang được đặt sâu vào lòng đá hoa cương, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy trong lòng núi, những con nước đang chảy. Nơi này là những tia nước nhỏ rỉ ra từ kẻ đá và nơi khác là một dòng nước mạnh hơn đang tuôn. Chúng chảy một cách tội nghiệp, chảy một cách tức tưởi nhưng dường như không biết mệt mỏi là gì. 

Người ta bảo những con nước đó phát xuất từ một dòng sông lớn nhưng chảy lạc và mất dần trong rặng White Mountain. Dòng sông tưởng đã chết. Nhưng không, sau hàng trăm năm, những con nước nhỏ vẫn rỉ, vẫn chảy xuyên qua kẽ đá hoa cương. Và như thế, theo thời gian, kẽ đá bị đục lớn hơn. Những con nước nhỏ dần dần thông qua được, hội tụ vào sông lớn để chảy ra Đại Tây Dương. 

Đọc bài viết ngắn của nhà văn Trần Hoài Thư về số phận hẩm hiu của các nhà văn, nhà thơ miền Nam sau 1975, tôi muốn viết vài dòng để chia sẻ với anh. Thật ra, những ưu tư, thắc mắc của anh dễ hiểu và cũng rất dễ trả lời. Văn học Việt Nam cho đến nay vẫn là văn học của kẻ thắng trận và lịch sử Việt Nam vẫn đang được viết bởi kẻ thắng trận. "Ai giải thích được lịch sử thì kẻ đó thắng" như một người nào đó đã nói, và trong cùng ý nghĩa, kẻ thắng có độc quyền giải thích lịch sử. Tôi cũng muốn nói với anh, văn học miền Nam, giống như dòng sông Lost River kia, tưởng đã chết, nhưng không, vẫn chảy trong chịu đựng âm thầm và bền bỉ. 

Nhớ lại chuyện nước mình tháng 5 năm 1975. Khi đứng nhìn những tác phẩm văn học miền Nam, từ triết Tây của giáo sư Lê Tôn Nghiêm cho đến triết Đông của giáo sư Nguyễn Đăng Thục, từ truyện dài của các nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn cho đến các tác phẩm vừa in xong của các nhà văn thuộc nhóm Sáng Tạo, từ thơ Vũ Hoàng Chương cho đến thơ Trần Tuấn Kiệt bị tập trung để đem đi đốt trong chiến dịch gọi là "Bài trừ văn hóa đồi trụy", không ai nghĩ văn học miền Nam còn một cơ hội nào khác. Nhưng rồi văn học miền Nam, đã theo chân những người cầm bút, ra biển. Nhờ đó mà chúng ta có Tháng ba gãy súng, Đại học máu, Thép đen, Ra biển gọi thầm, Lò cừ, Tôi phải sống và hàng trăm, hàng nghìn tác phẩm có tên và không có tên khác. Tác giả của chúng là những nhà văn miền Nam trước 1975, là những nhà văn vừa lớn lên ở hải ngoại, là những bác HO già ghi lại tháng năm tù, là những cô gái ngồi nhớ lại chặng đường vượt biên đầy nước mắt của mình. Bên cạnh giá trị văn chương, những tác phẩm đó còn chứa đựng giá trị của máu xương. Người đọc, dù đồng ý hay không, dù đứng bên này hay bên kia ngọn núi ý thức hệ, vẫn không thể phủ nhận sự hiện diện của những tác giả và tác phẩm đó trong dòng văn học Việt Nam hải ngoại như những chứng tích của một khoảng lịch sử đầy khắc nghiệt của dân tộc chúng ta. 

Tôi thường nghe nhiều người tự nhận là những kẻ thức thời lớn tiếng: "Hãy quên đi quá khứ và hướng về tương lai". Ai không biết điều đó, nhưng có tương lai nào mà không bắt đầu từ quá khứ? Trong khoảnh khắc chúng ta đang sống bao giờ cũng có bóng dáng của hôm qua và mầm mống của ngày mai. Xin đừng nhân danh tuổi trẻ khi mình không còn trẻ nữa. Hãy để chính thế hệ trẻ Việt Nam được lên tiếng nói, được đọc và được sống như tuổi trẻ với tất cả đặc tính của thế hệ họ, nhiệt tình, nông nổi, bướng bỉnh và hướng thiện. Tại sao ngăn cấm các em biết về quá khứ của cha ông chúng? Sang hay hèn, vinh hay nhục, công hay tội của những người đi trước, các em đều nên biết và cần phải biết. Biết không phải để sống vùi trong quá khứ nhưng để vượt qua, không phải để rồi giẫm lên những hầm hố nhưng để khỏi đặt chân vào. 

Một số người cho rằng việc giới thiệu các tác phẩm nói về chiến tranh, tù ngục là khơi dậy lòng thù hận trong tuổi trẻ một cách không cần thiết và không thích hợp cho hướng phát triển của đất nước trong thời đại mới. Những ý kiến đó, nếu không phát xuất từ ước muốn thỏa hiệp, có thể từ lòng tốt. Vâng, không một người Việt Nam có lòng với đất nước nào muốn đào sâu chuyện thù hận, ân oán, trái lại, ai cũng mong được sớm xóa đi những phân hóa, ngăn cách trong lòng dân tộc Việt Nam. Nhưng thù hận không thể xóa bỏ bằng sự che đậy và chia rẽ không thể lấp kín bằng lãng quên mà phải bằng thái độ dám nhìn thẳng vào sự thật và nói lên sự thật. Câu ngạn ngữ quen thuộc "Yêu nhau không phải chỉ nhìn nhau nhưng cùng nhìn về một hướng" thoạt nghe có vẻ cải lương nhưng lại thích hợp với những người Việt có lòng trong hoàn cảnh này. Người Việt có lòng đều thương nhau, đều nhìn nhau nhưng chưa thật sự cùng nhìn về một hướng. Do đó, để "giải oan cho cuộc biển dâu này", những người Việt quan tâm đến văn học và đất nước Việt Nam, trước hết, cũng nên tập nhìn về một hướng, hướng của sự thật. 

Tôi được nghe kể lại chuyện một nhà nghiên cứu văn học trong nước thăm viếng thành phố Boston. Trong một buổi uống trà riêng tư với các nhà văn Việt Nam tỵ nạn ở đây, nhà nghiên cứu văn học này đã thú nhận, nếu không có dịp ra nước ngoài ông ta sẽ không bao giờ biết những gì đã xảy ra bên trong những trại tù mệnh danh là những "trại cải tạo". Và ông cũng thố lộ một cách thành thật, nếu không đọc các tác phẩm của văn nghệ sĩ Việt Nam ở nước ngoài, ông sẽ không biết có một dòng văn học gọi là văn học Việt Nam hải ngoại. Dòng nào chính thống, dòng nào lai căng, dòng nào dân tộc, dòng nào phản dân tộc, là phán xét của người đọc và của lịch sử. Đó không phải chỉ là chuyện ba mươi năm trước hay ba mươi năm sau, mà có thể của trăm năm hay ba trăm năm tới. Nhà biên khảo văn học kia là một giáo sư văn chương, có phương tiện, được phép đi đây đi đó mà còn ngạc nhiên như thế, 50 triệu thanh niên Việt Nam sinh ra và lớn lên sau cuộc chiến và chưa bao giờ có dịp ra khỏi Việt Nam, sẽ hiểu thế nào về văn học miền Nam trước 1975 và ở hải ngoại hiện nay? Sự hiểu biết một chiều nào cũng dẫn đến ý thức cực đoan, và ý thức cực đoan nào cũng là tai họa cần tránh cho đất nước mình. 

Cái giá để được ra biển của Lost River là phải đục xuyên qua rặng White Mountain dày nhiều cây số và cái giá để được tiếp tục sáng tác của văn nghệ sĩ miền Nam là kiên nhẫn chịu đựng, giẫm lên những bãi mìn biên giới, băng qua núi rừng, vượt qua biển cả, sống sót từ các trại Cổng Trời, An Điềm, Suối Máu, Hàm Tân. Ba mươi năm sau, như Lost River vẫn chảy, nhịp tim của văn học Việt Nam hải ngoại vẫn đập đều nếu chúng ta biết lắng tai nghe.

(Đăng lần đầu trên talawas, đăng lại để nhớ 100 ngày Nguyễn Xuân Phước qua đời và kỷ niệm với anh tại Lost River mùa thu 2013)

07/10/2015



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo