Năm căn bệnh “cộng sản” trong phong trào dân chủ? - Dân Làm Báo

Năm căn bệnh “cộng sản” trong phong trào dân chủ?

Phan Châu Thành (Danlambao) - Năm 2015 đã lừng lững bước một chân vào lịch sử nhân loại với bao tín hiệu cho thấy một giai đoạn biến động lớn đang ở ngay phía trước (2016-2018): cuộc đấu lớn Mỹ-Tàu-Nga-EU-Nhật chuyển gia đoạn “ngửa bài” và nâng cấp độ ở Ucraine, Biển Nhật bản, Biển Đông và trong lòng nước Tàu…; đám cháy ISIS trên tro tàn Al-Queda đang bùng phát; cả châu Á, châu Phi và Nam Mỹ đang thành trận địa chiến tranh ngầm giữa hai thế lực Dân chủ với cộng sản/hậu cộng sản, với cuộc chiến giá dầu thấp đang diễn ra khắp nơi và không chừa một ai… Với Việt Nam nói chung và những người dấn thân vì Dân chủ cho VN nói riêng, điều đó dường như càng rõ ràng hơn bao giờ hết và đang hứa hẹn những cơ hội, thử thách thức lớn phía trước…

Như mọi người dân Việt, tôi vô cùng quan tâm đến vận mệnh đất nước đang ngàn cân treo sợi tóc: bước lên con đường Dân chủ hay đi vào kiếp nô lệ Tàu-Việt cộng sâu đau hơn nữa đến muôn đời – đến chừng nào Tàu cộng và Nga Pu sụp đổ… Vì quan tâm tôi nên đau đáu quan sát phong trào dân chủ rất non trẻ của Việt Nam hôm nay và hy vọng… (Hy vọng là bệnh tình cố hữu của dân tộc Việt Nam đang tuyệt vọng cả thế kỷ nay rồi, tôi không ngoại lệ…). Và càng quan sát tôi càng “quan ngại”, càng vô cùng lo lắng… Tôi lo lắng đến nỗi thấy cần phải đưa ra quan điểm của mình từ sự quan tâm, những quan sát và suy tư, nỗi quan ngại cá nhân về những bệnh tình (đang có, theo tôi) trong phong trào dân chủ của người Việt mà tôi gọi là những “bệnh cộng sản” - vì thấy trước đó chúng cũng đã và đang là dịch bệnh của đảng và chế độ, xã hội cộng sản VN này…

Thứ nhất, đó là bệnh mất đoàn kết. Dù có lẽ đây dường như đã là bệnh cố hữu của người Việt (?), dân tộc tự xưng có truyền thống và văn hóa lá “lành đùm lá rách”, nhưng với thời cộng sản 70 năm qua thì bệnh này bùng phát như dịch ghẻ trên thịt da dân tộc, mà kết quả là chưa có giai đoạn lịch sử nào mà người Việt lại giết hại và thù hận người Việt nhiều, tràn lan và “vô cớ” như vậy. Tính theo số người chết tuyệt đối bởi người Việt (có thể đến hàng vài triệu) hay tỷ lệ tương đối đều chắc chắn là… vô địch, hoặc á quân (chỉ sau Polpot về tỷ lệ tương đối, sau Tàu cộng về con số tuyệt đối…). Có lẽ nếu đem con số này ra thế giới, người Việt có lẽ đã lập giải Guiness hoặc được giải Phản Hòa bình-Phản Nobel…

Những người dấn thân vì Dân chủ cho Việt Nam có lẽ hiểu rõ lý do mất đoàn kết dân tộc trên là do cộng sản gây nên nặng nề thêm, vậy mà tôi đau lòng thấy phong trào dân chủ VN cũng không đoàn kết được. Tại sao? Ngoài những lý do cá nhân với cá nhân, thì sự mất đoàn kết nói chung của phong trào còn do sự thiếu tin tưởng của các nhóm với nhau. Tình trạng trên còn được khai thác và tạo ra bởi chính cộng sản nữa. Điều đó đưa đến việc xây dựng đoàn kết của phong trào dân chủ trước hết và hàng đầu chính là việc… phản gián - chống cộng sản trong hàng ngũ dân chủ. Chính vì phong trào dân chủ đòi độc lập VN những năm 40s không ý thức được vấn đề phản gián chống cộng sản trong hàng ngũ của mình (mà lại ngây thơ liên kết với cộng sản!) nên đã bị cộng sản… nuốt chửng. Bài học đau thương bậc nhất lịch sử phong trào dân chủ hay lịch sử Việt Nam nói chung đó còn nguyên giá trị. Ý của tôi là, hỡi tất cả tổ chức, cá nhân đang đấu tranh dân chủ cho VN hôm nay, hãy nhìn lại mình và tỉnh táo thanh lọc các phần tử cộng sản trong (tổ chức) mình, để có thể đoàn kết (các tổ chức) với nhau tạo thành phong trào chung. Nếu phần tử cộng sản chính là những kẻ đã lập ra tổ chức dân chủ mà bạn đang tham gia, thì việc tốt nhất là hãy rút ra để bảo toàn lực lượng là chính bản thân bạn! Tất nhiên, phản gián-phản cộng sản không cần bằng bạo lực (dây thừng, dao, súng… như cộng sản), mà chỉ cần bằng sự minh bạch và tẩy chay bất bạo động, công khai: tôi biết anh là cộng sản nên tôi không chơi với anh hay chúng tôi không chấp nhận anh vào tổ chức…

Thứ hai, đó là bệnh cục bộ, phe nhóm. Tất nhiên, cộng sản VN hay bất cứ CS nào khác cũng rất đặc thù với bệnh này: chúng thay đoàn kết chung bằng “đoàn kết phe nhóm” – tức là đoàn kết cục bộ nhóm nhỏ, nhưng mất đoàn kết cả phong trào, toàn đảng. Chưa bao giờ có đảng CS nào có sự đoàn kết toàn đảng cả, vì chỉ có sự đoàn kết cục bộ của các nhóm nhỏ chóp bu, trong đó nhóm mạnh nhất do có thể dùng bạo lực thống trị các nhóm nhỏ khác và dùng tuyên truyền để lừa bịp đa số còn lại (bằng thanh trừng, chuyên chính, học tập, cải cách, phê và tự phê…). Chúng ta đang thấy bệnh tình này trong phong trào dân chủ (phần “đoàn kết cục bộ”): các phe nhóm hay tổ chức đả phá nhau.

Lẽ ra, nếu đã cùng mục tiêu dân chủ cho VN thì: thứ nhất, là đã cùng chấp nhập sự khác biệt của nhau rồi (dân chủ không chỉ là ai cũng được mở miệng mà là chấp nhận sự khác biệt – tức là cả lắng nghe và tôn trọng sự mở miệng của người khác nữa, thì họ mới nghe và tôn trọng khi mình mở miệng chứ); thứ hai, sự khác nhau đó phải được để sau/dưới mục tiêu chung là dân chủ chứ, phải không làm tổn hại đến phong trào dân chủ chứ?; và thứ ba, sức mạnh của phong trào dân chủ không đến trực tiếp từ sự đoàn kết của các cá nhân đấu tranh dân chủ, mà đến từ sự đoàn kết của các nhóm, đội, tổ chức dân chủ với nhau. Nói cách khác, phong trào dân chủ là cuộc chơi phạm vi toàn xã hội, là cuộc chơi của số đông, của sự liên kết động (cho một/những mục tiêu tức thời cụ thể) của các tổ chức xã hội dân sự dân chủ vì mục tiêu dân chủ cụ thể, ví dụ: Đoàn kết ủng hộ nhân dân Vĩnh Tân, Tuy Phong biểu tình chống nhà máy điện than ô nhiễm của Tàu đến thắng lợi (ô nhiễm được xử lý)! Chúng ta chưa thấy sự đoàn kết trong hành động của các tổ chức dân chủ với nhau, nên gọi là phong trào dân chủ là còn gượng ép… Tóm lại, những nhà đấu tranh dân chủ tiên phong không nên có mục đích gom kết các tổ chức dân chủ thành một mà hãy đề ra và thực hiện mục tiêu sẵn sàng liên kết với các tổ chức khác trong những hành động chung để đạt được các mục tiêu dân chủ cụ thể mà thực tế cuộc sống phản dân chủ của cộng sản “tự nó đưa ra” qua các sự kiện tranh chấp dân chủ, nhân quyền giữa chính quyền và dân…

Tất nhiên, bệnh cục bộ cũng được một phần cố tình tạo nên và khai thác bởi cộng sản, để chúng dễ kiểm soát, chia rẽ, và tiêu diệt cả phong trào. Cách đối phó với bệnh này vì thế cũng cùng một loại thuốc kháng sinh liều cao như bệnh trên: phản cộng gián.

Thứ ba, bệnh không minh bạch. Nếu không minh bạch là bệnh cố hữu của cộng sản vì mục tiêu của chúng luôn không minh bạch, thì với phong trào dân chủ bệnh này lẽ ra không thể có – vì mục tiêu chung rất rõ ràng: Dân chủ cho VN.

Sự không minh bạch của mỗi cá nhân với tổ chức thể hiện trong quan điểm đấu tranh, trong lý lịch xuất thân và trong cách quản lý hoạt động, mà nền tảng là quản lý tài chính để hoạt động. Sự không minh bạch của tổ chức với cá nhân là cách tổ chức và hoạt động tùy tiện, không nhất quán theo điều lệ (hoặc không có điều lệ), và sự mờ ám về lý lịch của nhân sự lãnh đạo. Sự không minh bạch được biện minh bằng bối cảnh hoạt động bí mật hiện nay, vì sự an toàn của các tổ chức dân chủ. Có đúng thế không?

Phong trào đấu tranh dân chủ thực sự luôn hoạt động trên hai nguyên tắc bất bạo động và tự nguyện. Để các thành viên tham gia tự nguyện thì đó chính là mục đích dân chủ và cần đảm bảo hai nguyên tắc trên. Sự minh bạch trong thực hiện mục tiêu là điều kiện cần và đủ để các cá nhân dấn thân cho tổ chức, phong trào. Như vậy, không có minh bạch thì không có tổ chức tồn tại, vì không có hoạt động Vì thế, không thể nói vì an toàn tổ chức mà hạn chế sự minh bạch được. Có thể không sợ sai mà kết luận bất cứ tổ chức nào không minh bạch đều không phải là tổ chức dân chủ hay vì dân chủ được, mà thường là ngược lại. Tất nhiên, sự không minh bạch trong các tổ chức và hoạt động vì dân chủ luôn được cộng sản cố gắng tạo ra và khai thác tối đã cho mục tiêu phản dân chủ.

Không minh bạch là căn bệnh trầm kha và nguy hại cho các tổ chức dân chủ, và cả phong trào dân chủ, không kém gì hai căn bệnh trên, và tất nhiên nó cũng mang đặc thù rất cộng sản. Cách chữa ư? Đơn giản: Phải minh bạch tối đa, không có lý do để bí mật nội bộ - vì “giữ bí mật” với ai đó đồng nghĩa loại bỏ cá nhân đó khỏi tổ chức. Vậy thì, hoặc bạn có lý do để loại bỏ ra ngoài tổ chức một cá nhân nào đó, hoặc bạn có nghĩa vụ phải minh bạch với họ - thì bạn mới có sự tham gia của họ trong tổ chức dân chủ của bạn.

Thứ tư, bệnh háo danh và hình thức. Phong trào dân chủ VN hôm nay còn rất yếu và non kém, thế nhưng nếu cứ nghe chúng ta nói về mình thì như là ngày mai hay tháng sau, chậm nhất là năm sau chúng ta sẽ “giành được chính quyền từ tay cộng sản” vậy. Thứ nhất, với chế độ dân chủ mà chúng ta nguyện dấn thân thì chính quyền dân chủ không phải là thứ có thể giành cướp được như cộng sản đã làm – đó chỉ là chính quyền bạo lực cộng sản, mà là do dân trao cho những người được dân tin cậy; thứ hai, cái áo không làm nên thầy tu.

Suốt hơn hai chục năm qua tôi quan sát nền kinh tế quốc doanh “đổi mới” của CSVN, hễ cứ đơn vị nào nổi đình đám và tự nhiên “tha đâu về” các “giải thưởng quốc tế” nhất này nhất nọ thì y như rằng một thời gian ngắn ngay sau đó các đơn vị đó lụn bại, phá sản, biến mất, các sếp lớn thì ra tòa, vào tù… nên tôi coi các “giải thưởng quốc tế” là báo hiệu xấu. Tuy nhiên, với phong trào dân chủ tôi không nghĩ thế. Nhưng qua thực tế quan sát các cá nhân nổi tiếng dấn thân cho phong trào dân chủ cho VN, nếu được giải thưởng quốc tế nào đó thì y như rằng sau đó họ…lặn tăm, không còn dấn thân được như trước nữa. Danh sách này khá dài mà tôi không cần kể ra, mà lẽ ra sau khi nhận được các giải thưởng quốc tế danh giá thì sự nghiệp dấn thân vì dân chủ của họ càng phải có thành quả lớn hơn chứ - như Lech Walesa hay Ang Sui Kuy sau khi nhận giải Nobel Hòa Bình ít lâu đã góp phần làm thay đổi cả chế độ của quốc gia mình (và vài nước khác – như với Lech), chứ? Nhưng không, các giải thưởng quốc tế không hứa hẹn thành công tiếp theo của các cá nhân đó, và không làm cục diện phong trào đấu tranh dân chủ VN được cải thiện chút nào, ngoài…làm đẹp phong trào. Nhưng có vẻ chúng ta rất sính các giải thưởng quốc tế, nhiều người còn nghĩ người Việt dân chủ có người xứng đáng được giải Nobel Hòa Bình nữa, và cần giải Nobel Hòa Bình để phong trào dân chủ VN thành công?! Tôi nghĩ đây là một dạng biến thái của bệnh hình thức và háo danh cũng rất “đặc thù cộng sản” trên.

Bệnh hình thức thường thể hiện ở chỗ tên thì “to” và “kêu” nhưng tổ chức thì lèo tèo có vài người và không có hoạt động độc lập, chỉ lo họp hành cãi cọ nhau về các “chức vụ” trong tổ chức là chính, khi cần khi có sự kiện thì không thấy mặt ai…

Tại sao? Và chữa “bệnh” này bằng cách nào? Háo danh là một bản tính của con người – thích có danh, chỉ cần mỗi cá nhân biết tự kiểm soát đừng khoác lên mình lên nhau danh hão là ổn, và các nhóm hay tổ chức dân chủ cũng đừng lấy danh hiệu hay giải thưởng cá nhân để thổi phồng lên làm tài sản chung để “động viên phong trào”, biến từ háo danh thành bệnh hình thức. Bởi vì, cuối cùng - như các đơn vị kinh tế của CSVN, toàn do các “anh hùng lao động” lãnh đạo nhưng nền kinh tế thì phá sản – tất cả được đo bằng kết quả, phong trào dân chủ không nên đi vào con đường sưu tầm “giải thưởng quốc tế” như thế…

Thứ năm, bệnh “tài chính”. Nói đúng ra là bệnh yếu kém về tài chính của các tổ chức dân chủ. Cộng sản khi còn hoạt động bí mật, chúng rất yếu kém về tài chính, nhưng chúng đã đi xin, đi lừa, đi cướp của dân, dù cũng không ăn thua (từ 1930 đến 1940). Từ đầu những năm 40s chúng (qua Hồ Tàu) được Tàu cộng hỗ trợ hùng hậu về cả tài chính, nhân lực, và cả sách lược lừa-cướp-giết dân nên chúng mạnh lên nhanh chóng và giết hàng vạn người giàu và đối lập hay trung lập để cướp tài sản, chúng cướp được chính quyền năm 1945-1946 trong ngơ ngàng của dân Việt. Cướp được chính quyền ropoif thì chúng ăn cướp toàn dân công khai. Đó là sức mạnh tài chính của cộng sản. Đến nay chúng đã biết sức mạnh tổ chức bạo lực như đảng CS là dựa trên hai chân: sự lừa bịp và sức mạnh tài chính (nuôi súng đạn), nên chúng càng ra sức lừa và cướp của dân Việt tàn bạo hơn nữa…

Các tổ chức dân chủ VN hiện nay cũng đang rất yếu kém về tài chính, tạo nên cái tôi gọi là căn “bệnh tài chính” nhưng lại không thể đi lừa, đi cướp, đi giết người được. Thế nào là yếu kém về tài chính? Yếu là không có đủ thực lực tài chính để hoạt động, và kém là không ý thức được vai trò quan trọng và cơ bản (tuy không quyết định) của tài chính trong tổ chức và hoạt động dân chủ để mà xây dựng thực lực tài chính.

Một tổ chức dân chủ tự sinh ra có nghĩa là nó có thể hoạt động độc lập về tài chính (tự sinh để tự sống). Nếu nó không có sự độc lập tài chính từ khi sinh ra đó (không có nguồn thu luôn lớn hơn chi phí hoạt động) thì nhiều khả năng nó không phải tổ chức độc lập – nó bị chi phối bởi kẻ cung cấp nguồn tài chính đó (như là CS Tàu nuôi Hồ và cộng sản Việt từ 1940 nên hoàn toàn khống chế cộng sản Việt từ đó đến nay – chỉ có nợ tài chính của CSVN đối với CS Tàu là tăng lên vô hạn – tức lệ thuộc vô hạn). Đa số các tổ chức dân chủ VN hiện nay thiếu tài chính nhưng họ không ý thức được rằng điều đó làm họ sẽ bị lệ thuộc về đường lối đấu tranh, và cuối cùng làm sai lệch mục tiêu vì dân chủ ban đầu, nhiều khi “đấu tranh dân chủ trở thành dấu tranh để có tài trợ (tài chính) cho đấu tranh dân chủ” – tức là, chua xót thay, vì “tài chính”.

Lẽ ra, để thành công (hay ít ra là phát triển) trong đấu tranh dân chủ, những nhà dân chủ bên cạnh việc lập ra tổ chức của mình thì trước hết phải giải bài toán tài chính cho hoạt động dân chủ, sao cho với số vốn tài chính đóng góp ban đầu để hoạt động dân chủ thì càng hoạt động số vốn đó (bằng cách nào đó) phải ngày càng sinh sôi một cách tự động. Có như thế tổ chức mới đạt được hai mục tiêu phụ cho mục tiêu chính là dân chủ, đó là: có nguồn tài chính đủ để hoạt động phát triển (gia tăng) và hoạt động đó độc lập về nội dung, phương cách (vì không bị ai chi phối qua tài trợ tài chính). Thành lập và điều hành một tổ chức dân chủ, vì thế, như là và chính là thành lập và điều hành một công ty kinh doanh hiệu quả kết hợp với một đoàn thể hoạt động vì dân chủ, trong đó công ty nuôi đoàn thể, hay tổ chức dân chủ độc lập dựa trên hai chân của mình: hoạt động dân chủ và (hoạt động) tài chính.

Ví dụ: Một tổ chức dân chủ chuẩn bị thành lập dự kiến trong 3 năm đầu tiên hoạt động sẽ cần chi phí là 200, 400 và 600 triệu đồng trong khi dự kiến các thành viên và cả tổ chức sẽ chỉ tự đóng góp hàng năm max được 50% số tiền cần thiết đó, còn 50% làm sao đây? Có hai cách: một là giảm như cầu chi phí dự kiến xuống 50% như mức dự kiến có thể đóng góp và huy động, và hai là tạo ra một doanh nghiệp từ vốn góp ban đầu của các thành viên tổ chức sao cho doanh nghiệp đó có thể phát triển và đem lại thu nhập ròng bằng hay trên 50% số tiền cần cho hoạt động hàng năm. Doanh nghiệp do chính tổ chức sở hữu và điều hành gián tiếp qua đại diện. Cách một thường sẽ phá sản ngay năm đầu tiên vì không ai có thể đóng góp cho tổ chức mãi trong khi một số sẽ không đóng góp gì (vì không thể) mà chỉ tiêu…mãi. Cách hai rất khả thi, thậm chí dễ làm vì lúc đầu luôn có những người bỏ ra tài trợ khoản tiền lớn (ví dụ 500 triệu đến 1 tỷ đồng hay hơn nữa) cho tổ chức vì dân chủ, và đó là số tiền cần cho vào doanh nghiệp để lấy tiền lãi nuôi tổ chức hoạt động… Vấn đề chỉ là các nhà đấu tranh dân chủ có ý thức được tầm quan trọng của vấn đề tài chính cho hoạt động độc lập ngay từ đầu hay không, mà thôi.

Hiện nay các tổ chức dân chủ khi thiếu nguồn tài chính để hoạt động là phải dựa vào hai nguồn tài trợ trong nước và ngoài nước. Ngoài sự phụ thuộc vào hai nguồn đó thì nguy cơ các nguồn đó xuất xứ hay liên quan đến hoạt động chống phá dân chủ của cộng sản là rất cao. Và vì thế, vì không tự chủ tài chính, các hoạt động vì dân chủ thường phá sản từ trong trứng nước, mà ít khi người ta nhận ra lý do yếu kém tài chính đích thực (và bị khai thác) đó.

Khía cạnh khác của “bệnh tài chính” là sự phụ thuộc hay có tự do tài chính của từng cá nhân của tổ chức dân chủ, nhất là các cá nhân điều hành tổ chức. Một nhà dân chủ, tức là dấn thân đấu tranh cho tự do con người, có thể có tự do tài chính cá nhân (có nguồn thu nhập để sống và hoạt động mà không cần phải làm việc) hoặc không (vẫn phải lao động để sống). Nhà dân chủ có tự do tài chính có thể sống và hoạt động không cần hỗ trợ tài chính của tổ chức (trừ các chi phí cho hoạt động đặc biệt và không liên quan đến sinh hoạt của cá nhân đó) thì là lý tưởng nhất, vì có thể cống hiến toàn bộ thời gian và trí lực cho hoạt động. Nhà dân chủ không có tự do tài chính nhưng hoạt động tích cực thì mỗi khi ngưng lao động nuôi bản thân (và có khi cả gia đình) họ cần có hỗ trọ tài chính của tổ chức chi chính sinh hoạt của họ - tức là họ chỉ hoạt động theo mức độ được hỗ trợ tài chính, họ bị phụ thuộc tài chính…

Nếu một tổ chức có số thành viên có tự do tài chinh ít và số thành viên phụ thuộc tài chính nhiều hơn, và không có một nguồn thu nhập ổn định dạng một công ty độc lập của tổ chức thì tương lai của tổ chức đó là: chết yểu hoặc bị lệ thuộc vào kẻ sẽ cung cấp nguồn tài chính. Nếu các cá nhân ban điều hành của tổ chức là những kẻ phụ thuộc tài chính (lấy tiền của tổ chức dân chủ mà mình điều hành để sống, để sinh hoạt cá nhân) thì đó là tình huống tệ hại nhất của “bệnh tài chính”…

Tại sao tôi nói yếu kém tài chính cũng là “bệnh cộng sản”? Là vì cho đến hôm nay, dù cộng sản rất giàu mạnh về tài lực (dân nước thì nghèo đói) là do cộng sản cướp của dân của nước mà có, chứ không phải họ biết kinh doanh mà tạo nên nền kinh tế quốc gia hùng mạnh nên chính quyền hùng mạnh. Không có chuyện đó. Chúng vẫn chỉ là kẻ cướp năm xưa không hề biết kinh doanh, bằng chứng là các công ty nhà nước có mọi đặc quyền, vốn và và tài nguyên quốc gia vẫn chỉ luôn luôn thua lỗ, kể cả công ty lãi lời lớn nhất như dầu khí – bởi vì phần lời là do tài nguyên đất nước đem lại, không phải do lao động kém hiệu quả của họ làm ra…

Trong năm căn bệnh cộng sản trên, đáng buồn là căn bệnh thứ năm – bệnh tài chính lại phổ biến và trầm trọng nhất với người Việt, bốn căn bệnh đầu tiên dù sao cũng có tính tất yếu và chỉ là vấn đề bị nặng hay bị nhẹ mà thôi…

Bắt bệnh thì dễ, chữa bệnh mới khó. Ngày nay tôi thấy có nhiều “thầy lang ngoại cảm” ngồi nhà bắt bệnh qua điện thoại từ nhà, mà con bệnh –thường là các quan cộng sản lắm tiền nhiều bệnh - vẫn cuống cuồng gọi đến xin “khám” ào ào, tiền trả hậu hỉ…

Tôi nay phán bệnh miễn phí qua… Internet, xin mạo muội kê ra đơn trên cho phong trào dân chủ nhà ta, bằng cả tấm lòng chân tình, nếu sai, xin ông… Internet chịu trách nhiệm!




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo