Thuê luật sư - Dân Làm Báo

Thuê luật sư

Vi Đức Hồi (Danlambao) - Kết thúc phần tiến hành kiểm tra các tài liệu trên máy tính, tôi bắt đầu “được” làm việc tại phòng lấy cung của trại tạm giam tỉnh Lạng Sơn. Nằm trong khuôn viên của trại, ngay cổng ra vào có lính canh gác nghiêm ngặt, bốn dãy nhà được xây kiên cố sát lối đi vào khu vực giam cứu, mỗi nhà được ngăn cách ra từng phòng nhỏ khoảng chừng 12 mét vuông. Trong phòng có một bàn làm việc, phía trong bàn ngoảnh ra cửa có một ghế ngồi dành cho “phạm nhân”, chân ghế được xiết chặt bởi bốn bu loong chôn chặt xuống nền nhà, bất di, bất dịch phòng khi có sự cố đương sự dùng ghế làm phương tiện tấn công cán bộ.

Trực tiếp làm việc với tôi là viên sĩ quan an ninh đeo quân hàm trung tá thâm niên, bởi những sĩ quan quân đội và công an, người không được giao đảm nhiệm chức vụ gì thì chỉ được phong quân hàm lên đến trung tá là hết bậc. Anh ta có tên Lăng văn Ngọc mà tôi đã có dịp nhắc đến ở một vài bài viết trước đây. Anh ta theo học với tôi một lớp đại học luật tại chức được tổ chức ở tỉnh, nên khá biết về nhau. Giúp việc anh ta là một thiếu úy mới ra trường chuyên làm thư ký, ghi biên bản làm việc, ghi lời khai của đương sự. Mở đầu cho cuộc tra hỏi anh ta đặt vấn đề:

Tôi rất ngại nhận vụ này, vì tôi với anh đã có thời gian là bạn học, nhưng lãnh đạo không nghe, tôi là người thi hành công vụ, tôi mong anh hiểu cho và mong anh cộng tác với chúng tôi!

Anh không làm thì người khác làm, tôi không bao giờ lợi dụng sự quen biết để làm khó dễ cho anh, càng không mong ở anh bất cứ sự bao dung, che chở nào dù rất nhỏ, tôi đáp.

Ngay ngày đầu tiên lấy cung tôi đã đề nghị được thuê luật sự để cùng tham gia trong quá trình tố tụng, sáng hôm sau viên sĩ quan điều tra viên trực tiếp thẩm vấn tôi đã thông báo lại với tôi rằng không chấp nhận đề nghị của tôi theo quy định của pháp luật. Chỉ khi nào kết thúc điều tra vụ án thì mới xem xét việc thuê luật sư.

Sau một tháng việc lấy cung đã hoàn tất vì vụ án đơn giản, những bài viết của tôi đều đã rõ chính danh, bản thân tôi thừa nhận do tôi viết và đăng tải trên mạng và tự nhận chịu trách nhiệm toàn bộ nội dung của các bài viết. Hai tuần sau viên sĩ quan điều tra viên đến trại mời tôi ra gặp và trao cho tôi bản kết luận điều tra, tôi đọc lướt qua và lập tức phản đối phần kết luận.

Tôi phản đối bản kết luận điều tra này, tôi khẳng định mọi việc làm của tôi không vi phạm pháp luật.

Anh có quyền viết đơn kháng nghị gửi cấp có thẩm quyền, tôi chỉ là người thi hành công vụ.

Tôi không chấp nhận, tôi không ký, anh mang về báo cáo lãnh đạo của anh. 

Được rồi tôi lập biên bản anh không ký nhận.

Ông muốn làm gì thì làm, thái độ của tôi là không thay đổi.

Anh ta lập biên bản với nội dung tôi không ký, không nhận bản kết luận điều tra với lý do tôi phản đối toàn bộ nội dung của văn bản này. Tôi ký biên bản, anh ta vơ mấy tờ giấy cho vào cặp mặt đỏ văng vẻ tức giận rồi gọi viên quản giáo đến đưa tôi về buồng giam.

Sáng hôm sau, viên sĩ quan quản giáo vào tận buồng giam đưa tôi bản kết luận điều tra và yêu cầu tôi ký nhận, tôi lại phản đối.

Anh ký xác nhận cho tôi đã nhận bản kết luận điều tra, còn việc anh kháng nghị là việc khác. Anh cũng nên có nó để có cơ sở viết kháng nghị cho chính xác hơn.

Tôi ghi vào sổ ký nhận với nội dung: tôi đã nhận bản kết luận điều tra đối với tôi từ tay cán bộ quản giáo, tôi phản đối bản kiến nghị này, ký tên.

Ngay hôm đó tôi viết đơn gửi cơ quan điều tra công an tỉnh kháng nghị về bản kết luân điều tra. Chờ mãi vẫn biệt tăm hơi ý kiến trả lời. Khoảng hai tuần sau Viện kiểm sát nhân dân tỉnh cho người đến đưa tôi bản luận tội về tôi do phó viện trưởng ký. Tôi lại phản đối, người cán bộ kiểm sát nói với tôi rằng:

Tôi đã nghiên cứu kỹ về trường hợp anh, tôi sẽ cố gắng xem xét cho anh đến mức tối đa. Anh cứ bình tĩnh sau đại hội đảng toàn quốc lần thứ mười một này, biết đâu đấy có thể sẽ khác đi. Anh cầm lấy về xem có vấn đề gì không đồng ý anh viết đơn kháng nghị gửi lên Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, nói chung anh còn nhiều cơ hội để kiến nghị. Tôi biết có tranh cãi với họ cũng chẳng giải quyết được gì, tôi ký đã nhận rồi trở về buồng. Tôi đề nghị quản giáo cho mượn giấy, bút, kính lão để viết đơn kháng nghị gửi Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về các nội dung:

Nội dung thứ nhất: Vi Đức Hồi đã làm ra, tàng trữ, phát tán tài liệu có nội dung tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đòi đa đảng; đa nguyên chính trị; nói xấu đảng, nhà nước; gây phương hại và làm giảm lòng tin của người dân đối với chế độ. Tôi khẳng định những bài viết của tôi không có nội dung chống nhà nước Việt Nam. Tôi kêu gọi mở rộng dân chủ; xây dựng xã hội dân sự phát triển; cần có đa nguyên chính trị để thúc đẩy phát triển xã hội.

Nội dung thứ hai: Vi Đức Hồi đã nhận tiền từ Phan Văn Lợi để đi đến tận gia đình những người phạm tội để kích động những việc làm vi phạm pháp luật. Tôi khẳng định đó là việc làm phù hợp với luân thường đạo lý; phù hợp với truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Nội dung thứ ba: Vi Đức Hồi đã tiếp xúc với nhiều phần tử xấu, những phần tử đã và đang vi phạm pháp luật, cấu kết với nhau đả kích đảng, nhà nước. Tôi kháng nghị việc đi lại, tiếp xúc với mọi người là quyền thiêng liêng của mỗi cá nhân,bất khả xâm phạm; là quan hệ xã hội; là lẽ tất yếu, không pháp luật nào đi cấm trong quan hệ giữa con người với con người.

Nội dung thứ tư: Vi Đức Hồi đã liên hệ, cấu kết với một số tổ chức; cá nhân phản động ở nước ngoài, nhận tiền trợ giúp từ nước ngoài nhằm chống lại đảng, nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tôi kháng lại: pháp luật Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế không có điều khoản nào cấm trong quan hệ giữa những người trong nước với những người nước ngoài. Kết luận tôi cấu kết với các tổ chức, cá nhân phản động là vu khống, tôi yêu cầu phải chứng minh việc cấu kết đó. 

Nội dung thứ năm: Vi Đức Hồi đã trả lời phỏng vấn nhiều đài, báo, diễn đàn phản động ở nước như đài BBC; RFI; RFA;Chân trời mới… có nội dung nói xấu chế độ, nói xấu Đảng, Nhà nước Việt Nam. Tôi kháng nghị: không có pháp luật nào điều chỉnh về việc phỏng vấn, trả lời phỏng vấn các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước. Tôi chỉ nói lên sự thật, tôi không hề bịa đặt hoặc vu khống ai. Ngay hôm sau tôi gửi cho quản giáo để gửi đi. 

Sau khi có bản “cáo trạng” của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Viên sĩ quan điều tra viên gọi tôi ra để trao đổi việc thuê luật sư. Anh ta có sẵn một bản danh sách luật sư của đoàn luật sư tỉnh Lạng Sơn, rồi anh ta gợi ý;

Đến giờ thì anh có quyền thuê luật sư rồi, tôi giúp anh giới thiệu danh sách đoàn luật sư của tỉnh để anh có sự lựa chọn. Anh ta bắt đầu đọc dõng dạc cho tôi nghe họ tên của từng vị luật sư trong đoàn luật sư của tỉnh. Tôi cứ ngồi im để anh ta đưa đẩy xem sao. Đọc xong anh ta hỏi:

Trong số này anh có thân quen ai không?

Không, tôi chẳng biết ai trong số này, tôi lạnh lùng đáp lại.

Ý của anh thế nào?

Tôi không thuê luật sư của tỉnh, tôi thể hiện dứt khoát.

Anh định thuê luật sư ở đâu?

Tôi thuê luật sư ở Hà Nội.

Anh có thân quen họ không? 

Tôi có quen.

Anh ta bắt đầu giảng giải: thật ra thuê luật sư ở đâu cũng vậy thôi, nhưng thuê ở tỉnh nhà có lợi cho anh nhiều hơn, bởi vì anh là người của địa phương, có thời gian tham gia công tác xã hội ở địa phương cũng khá lâu năm, có công lao đóng góp cho địa phương nên chắc chắn họ sẽ hiểu và thông cảm, châm trước cho anh những cái mà luật sư ở nơi khác đến sẽ không thể có được.

Tôi không quan tâm đến những vấn đề đó.

Anh định thuê đoàn luật sư nào?

Đoàn luật sư Trần Vũ Hải hoặc đoàn luật sư Cù Huy Hà Vũ ở Hà Nội. 

Tôi sẽ báo cáo cấp trên rồi sẽ trao đổi với anh sau. Cuộc gặp kết thúc chóng vánh.

Sáng hôm sau, cán bộ quản giáo lại đưa tôi ra gặp viên sĩ quan điều tra. Sau lời thăm hỏi sức khỏe, tình hình ăn uống ra sao, anh ta bắt đầu thăm dò.

Anh Hồi ạ! Tôi đã trực tiếp lấy cung nhiều vụ án như anh, nhưng vụ nào trong khi tôi lấy cung, nhiều bạn bè, chiến hữu của đương sự họ đến tận trại giam gửi quà; đòi thả người của họ ra; thậm trí phản đối chúng tôi bắt giữ người của họ, làm chúng tôi khổ sở trong quá trình lấy cung. Riêng trường hợp của anh tôi chưa thấy một ai đến hỏi thăm, lên tiếng bênh vực anh, tôi lấy làm lạ?

Người tôi nóng lên rồi cố trấn tĩnh lại

Tôi không ngờ anh là điều tra viên cấp Tỉnh mà những kiến thức sơ đẳng nhất anh cũng chẳng có. Anh nói anh đã thụ lý nhiều vụ án như tôi! Tôi nói cho anh biết từ ngày khai sinh ra nước Việt Nam cộng sản này chưa bao giờ ở cái Tỉnh này có vụ án như tôi. Anh định vơ mấy vụ án làm gián điệp cho Trung Quốc cũng giống như tôi sao? Anh nhận thức thế nào đấy? anh có bị làm sao không?

Mặt anh ta tím bầm lại, biết là mình bị hớ nhưng cố tình phân bua.

Tôi không tranh cãi với anh nữa, chúng tôi có khái niệm các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia là một. 

Cậu thư ký của anh ta thấy vậy liền cắt ngang: thôi không tranh luận nữa, đi vào việc khác đi. 

Được đà anh ta mở cặp lấy tài liệu ra rồi lảng sang chuyện khác.

Bây giờ chúng ta bàn đến vấn đề luật sư. Qua một đêm suy nghĩ anh có ý kiến gì khác không?

Vấn đề này tôi đã nói với anh hôm qua, tôi không có gì thay đổi.

Theo tôi anh nên suy nghĩ lại, nếu anh thuê luật sư ở tỉnh nhà, chúng tôi sẽ miễn phí cho anh, anh nghĩ thêm đi, một khoản tiền khá lớn đấy.

Tôi không có gì thay đổi, kinh phí tôi lo được.

Thôi đi bố cháu ạ! Tiền đấy để cho con nó học hành, làm gì mà nặng nề thế!

Tôi nói lần cuối cùng là tôi không thay đổi.

Thất vọng, anh ta đứng phắt dậy nhét tài liệu vào trong cặp rồi buông từng nhát

Thôi được tùy anh thôi, tôi đã tận tình với anh hết mức rồi đấy.

Tuần sau, vợ tôi được phép đến thăm, sau gần hai tháng không gặp, nhìn người vợ gầy dộc đi bởi phần vì lo lắng, phần vì chịu nhiều áp lực của dư luân.

Sao đến muộn vậy? tôi hỏi

Đến từ lâu rồi nhưng phải chờ an ninh đến mới được gặp.

Trường hợp của tôi, mỗi lần có người nhà đến thăm gặp phải được sự đồng ý của công an tỉnh và phải có từ hai đến ba sĩ quan an ninh giám sát. Trước khi gặp, cán bộ quản giáo quán triệt từ hai bên (phía tôi và người nhà) chỉ được trao đổi về tình hình gia đình, cấm thông tin những vấn đề khác, nếu không tuân thủ thì sẽ bị cắt ngay và lần sau sẽ không được gặp. Tôi yêu cầu vợ tôi liên hệ với bạn bè tôi tìm thuê luật sư trong đoàn luật sư Trần Vũ Hải và đoàn luật sư Cù Huy Hà Vũ ở Hà Nội. Cuộc gặp kết thúc trong khoảng 40-45 phút.

Tháng sau vợ tôi lên thăm nuôi thông báo luật sư Trần Vũ Hải và văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ từ chối lời mời của tôi. Mãi sau luật sư Lưu Vũ Anh trong văn phòng luật sư Trần Vũ Hải nhận lời bào chữa cho tôi, Tôi tạm yên tâm và chờ ngày gặp luật sư, sắp đến ngày xử mà vẫn chưa gặp được luật sư tôi rất nóng lòng.

Tháng sau nữa vợ tôi thăm gặp lại thông báo Lưu Vũ Anh quay ngoắt sang từ chối bào chữa cho tôi, vợ tôi vừa nói vừa ưa nước mắt bởi cảm thấy quá tủi thân. May thay có luật sư Trần Lâm thuộc đoàn luật sư Hải Phòng tự nguyện nhận bào chữa thay thế, tôi cũng phần nào yên lòng. Được thể an ninh nhạo báng tôi:

Anh thấy chưa? Anh đã sáng mắt ra chưa? Cù Huy Hà Vũ có đến bốn luật sư tham gia bào chữa cho anh ta, còn anh đi cầu cạnh khắp nơi mà chẳng có ai nhận lời, anh có thấy nỗi nhục của anh không?

Người tôi nóng ran lên, phần vì những lời phỉ báng, phần vì tủi thân và tự ái trào dâng lên, tôi cố nén trong lòng, trấn tĩnh để đáp trả:

Tôi thừa hiểu dưới chế độ này thì luật sư chẳng có vai trò gì quan trọng, các ông đã định án cho tôi rồi. Tôi cần luật sư chỉ để động viên gia đình tôi, và có những thông tin hữu ích đối với tôi cũng như gia đình, bạn bè thân hữu của tôi, chỉ có vậy thôi, không hơn, không kém.




Trích Đối Mặt - Phần hai: Chuyện trong lao ngục


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo